24 tháng 7, 2013

CHỦ TỊCH HUYỆN TRƯỜNG SA: "ƯỚC GÁNH ĐƯỢC NỖI ĐAU CỦA VỢ CON"

Mai Thanh Hải - Mình đi công tác Trường Sa với Đại tá Nguyễn Viết Thuân, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trường Sa (Lữ đoàn 146, Vùng 4 - Hải quân) đồng thời cũng là Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa từ hồi 2008, khi đó người con quê Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình này mới đang đeo cấp hàm Thượng tá, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146.

Mấy lần đi Trường Sa hoặc gặp gỡ trong Vùng 4, mình coi anh Thuân như cuốn "Từ điển Trường Sa", bởi người sĩ quan chỉ huy này gắn bó mật thiết với từng con sóng, hòn đá trên từng điểm đóng quân của bộ đội ngoài biên đảo Trường Sa, đã hơn 30 năm, đến mức ra các đảo, không chỉ tụi chó mèo mà cả gà vịt cũng nhao đến, lượn vè vè, kêu la ầm ĩ làm nũng quanh anh Thuân.

Anh Thuân bảo: "Ngoài thời gian dài cả vài chục năm đằng đẵng chỉ huy điểm này đảo nọ, về Lữ đoàn, mỗi năm đi vài chuyến, chả khác gì ở đảo!" và chắc nịch: "Có thân quen, thông thuộc mới đối phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra!".

Bẵng đi một thời gian, hôm nay mới biết người lính của biển đang phải gánh chịu nỗi đau lo lắng cho chính hậu phương gần gũi nhất (ĐỌC Ở ĐÂY) và mình biết: Bản lĩnh của người lính biển - người đứng đầu chính quyền huyện đảo Trường Sa, sẽ giúp anh vượt qua mọi giông tố, vất vả (lính Trường Sa, bao lâu nay vẫn vậy).

Thế nhưng mình vẫn cứ muốn làm 1 việc gì đó, đúng tình cảm truyền thống của những người lính (đặc biệt là những người đã từng ra với Trường Sa, sống cuộc sống bộ đội Trường Sa qua chuyến đi thăm làm việc, có khi chỉ mười mấy ngày) là sự san sẻ - động viên - nắm tay nhau gần gũi, khi người đồng đội của mình gặp chuyện khó khăn - vất vả: Một lời động viên, một sự giúp đỡ nhỏ nhoi, cho gia đình anh Thuân vượt qua gian khó, bởi mình biết cái trang cá nhân của mình (không phải tờ báo hay phương tiện thông tin đại chúng nào đó), được rất nhiều người đã ra với Trường Sa, đi với anh Thuân hoặc đơn giản là quan tâm thực đến những người lính đang bảo vệ biên đảo thiêng liêng của Tổ quốc đọc, nên xin được xem như sự truyền tải tình cảm với anh Thuân.

Dẫu biết, bên cạnh Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Lữ đoàn phó Đoàn Trường Sa lúc này có Đảng - Chính phủ - Quân đội - Quân chủng Hải quân - BTL Vùng và Chỉ huy, đơn vị, đồng đội sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, động viên... Thế nhưng thêm 1 nắm tay, 1 hơi ấm của từ mọi miền đất nước, thì có gì là sai trái, pham quy đâu nhỉ?. Bởi suy cho cùng, cũng chỉ thực hiện khẩu hiệu: "Tất cả vì Trường Sa thân yêu", cho người lính yên tâm bảo vệ biển trời...

Mọi sự ủng hộ - giúp đỡ, nếu có thể và ở góc độ đồng đội - đồng cảm - chia sẻ, xin gửi về:

NGUYỄN VIẾT THUÂN
STK 8000120546006, Ngân hàng Quân đội (MB), Chi nhánh Khánh Hòa
(Xin ghi rõ: Giúp đỡ vợ con anh Thuân vượt qua bệnh nặng).
--------------------------------------------------------------------------
CHỦ TỊCH HUYỆN TRƯỜNG SA CHĂM VỢ CON BỆNH NẶNG

http://vnexpress.net - Vợ nhập viện bởi căn bệnh ung thư vú hành hạ, chưa đầy một tháng sau đứa con trai lớn cũng phải phẫu thuật tim khiến "thủ lĩnh" của huyện đảo Trường Sa như "chưa từng thấy đau đến thế".

Nhiều ngày nay, người đàn ông với gương mặt rắn rỏi, rám đen vì nắng gió luôn tay luôn chân với việc bón cơm, thay quần áo cho con trai đã trở thành hình ảnh quen thuộc với những bệnh nhân ở khu vực hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).

Đó là anh Nguyễn Viết Thuân, Phó Lữ đoàn trưởng Đoàn 146, thuộc Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, đồng thời cũng là Chủ tịch huyện đảo Trường Sa.

Nhập ngũ từ năm 1983, sau hơn một năm công tác ở biên giới phía Bắc anh quay về làm giảng viên ở Trường Sĩ quan lục quân sau đó chuyển công tác ra Trường Sa. Hơn 30 năm là người lính, cuộc đời của anh gắn với từng mảnh đất của huyện đảo tổ quốc.

Thế nhưng, gần một tháng nay, anh vừa phải quán xuyến công việc ở đảo, vừa tất bật chạy qua chạy lại giữa Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh) và Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) để lo cho vợ và con.

"Là người lính đảo, cuộc sống của tôi gắn liền nơi đầu sóng ngọn gió, đã quen với những tình huống khó khăn. Thậm chí có những lúc tính mạng con người như nghìn cân treo sợi tóc cũng có thể bình tĩnh xử lý. Nhưng giờ, thấy vợ con mình đau đớn thế này..." - anh Thuân đưa mắt nhìn cậu con trai Nguyễn Viết Khuê, bỏ lửng câu nói.

Vợ anh, chị Nguyễn Thị Huyền trông hom hem và già hơn so với tuổi 49.

Vốn là giảng viên trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, hơn một năm nay chị phải rời bục giảng để chống chọi với căn bệnh ung thư vú. Vuốt những sợi tóc lưa thưa còn lại sau những lần hóa trị, chị bảo, gần 20 năm làm vợ người lính đảo, thời gian của anh Thuân ở nhà với vợ con cộng lại chỉ được khoảng 2 năm.

Từ việc nuôi dạy con cái, đến đổ móng làm nhà chị đều phải cáng đáng để chồng yên tâm làm nhiệm vụ.

Dù phát hiện bệnh đã hơn một năm, nhưng chồng vẫn phải đi công tác ngoài đảo xa trong khi cậu con lớn chuẩn bị thi đại học, đứa kia thi lên lớp 10 nên chị cứ lần lữa.

"Mãi đến đầu tháng 6 không thể chịu đựng nổi những cơn đau, tôi đành phải gửi con, thuê người đưa vào TP HCM nhập viện. Còn anh Thuân vì điện thoại không có sóng nên tôi không thể liên lạc được" - Giọng chị Huyền nhẹ hẫng như chất chứa sự tủi thân.

Hướng ánh mắt đầy chia sẻ về phía vợ, anh Thuân bảo, dù cơ quan đơn vị trong bán đảo Cam Ranh, từ đó về TP Nha Trang cũng chỉ hết 1 tiếng chạy xe nhưng là Chỉ huy đơn vị, lại là Chủ tịch huyện nên anh không thể về thăm nhà thường xuyên, chưa kể những chuyến đi tuần tra, làm nhiệm vụ trên biển.

Đầu tháng 7, sau khi kết thúc chuyến công tác ngoài biển gần một tháng, về đến đơn vị anh mới biết vợ nhập viện. Vậy là vội vội vàng vàng, anh đưa cậu con lớn Nguyễn Viết Khuê lên TP. HCM dự thi Đại học, đồng thời chăm sóc vợ đang nằm điều trị trong bệnh viện.

Sau lần vào thuốc, chị Huyền tiều tuỵ và yếu đi nhiều, lòng người lính đảo như có dao cắt. Anh cảm thấy như mình có lỗi trong nỗi đau mà vợ phải chịu đựng.

Được nghỉ phép một tháng, như để bù đắp, anh Thuân ân cần lo từng giấc ngủ, miếng ăn cho vợ.

Sau khi chị Huyền kết thúc đợt hóa trị đầu tiên, Khuê cũng vừa thi xong Đại học cả gia đình dự định sẽ về quê Thái Bình bởi suốt 20 năm qua anh chỉ đưa vợ con về thăm quê được một lần.

Vậy mà, vừa về tới Nha Trang được 3 ngày thì Khuê kêu đau vai và ngực. "Lúc đầu tôi cứ nghĩ là do cháu học thi nhiều quá nên bị vậy. Đến khi đi khám thì bác sĩ cho biết có một khối u lớn đang nằm trong lồng ngực nên vợ chồng con cái tôi lại mang nhau vào TP HCM. Bệnh viện kết luận con trai tôi có một khối u lớn ở trung thất" - Giọng anh Thuân buồn rượi.

Nằm ở một góc ngoài hành lang bệnh viện, nuốt từng miếng cơm khó khăn, lâu lâu Khuê lại phải ôm ngực vì cơn đau bất chợt ùa về.

Chàng trai có đôi mày rậm và ánh mắt thật sáng cho biết vừa hoàn thành kỳ thi đại học khối D1 vào ngành Quản trị kinh doanh của ĐH Tôn Đức thắng và khối A vào ngành Truyền thông và mạng máy tính trường ĐH Công nghệ thông tin.

Giấc mơ trở thành chàng kỹ sư công nghệ thông tin đang đến gần vì cậu hoàn thành bài thi khá tốt. Nhưng giờ đây, khi đối diện với bệnh tật, Khuê bảo chỉ mong sao mình vượt qua được ca phẫu thuật sắp tới.

"Mình dày dặn đã quen nên ước gì có thể gánh được nỗi đau của vợ con. Mỗi lần thấy cô ấy bước vào phòng hóa trị hay nhìn con ôm ngực, mình thấy bất lực quá", anh Thuân chia sẻ.

Nguyễn Loan
----------------
* Hình ảnh anh Nguyễn Viết Thuân tại quần đảo Trường Sa, do Mai Thanh Hải ghi lại trong chuyến công tác tháng 4/2008

1 nhận xét:

  1. Các cơ quan chức năng và cộng đồng hãy đóng góp gì đó thiết thực để chia sẻ với gia đình anh Thuận vượt qua khó khăn này để anh yên tâm làm nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trong đó có quần đảo HS của chúng ta.

    Trả lờiXóa