26 tháng 6, 2013

CÓ MỘT THỜI, LOẠN LẠC?..

Nguyễn Ngọc Tư - Có con, chuyện con có bồ cũng tự nhiên như nó ho, sổ mũi hồi vài ba tuổi. Nghĩa là cũng quan trọng đó, nhưng không nguy cấp tính mạng, thủng thẳng lo được.

Hiểu biết chung quanh chuyện trai gái hồi trước chỉ trông cậy vào lời khuyên bảo mù mịt hoang đường  của người già, giờ thì kiến thức đâu cũng có, từ trường học, sách, mạng…

Con biết chắc hôn môi tuyệt đối không có bầu, mình đỡ phải nói gần nói xa chuyện chạm da va thịt, những thứ mà nói bằng lời cũng sượng.

Chỉ phải nhắc con: Nhớ chọn người tử tế.

Vài ba năm trước một bà mẹ vô lo còn nghĩ vậy khi con đưa bồ về nhà ra mắt, giờ thời thế trở quẻ, yêu là mạo hiểm rủi ro như leo núi.

Đi bên những bờ vực.

Bất trắc không phải ở những khúc quanh, từng gờ đá, mà từ người bạn đường thân thiết nhất.

Cái câu “chọn người tử tế” tưởng nhẹ tênh, hóa ra là một nhiệm vụ xương xẩu.

Tử tế sống chung đến nửa đời cho đến khi vợ bị chồng đẩy xuống sông.

Tử tế yêu nhau cho đến khi oằn dưới những nhát dao quyết liệt từ tay bồ giữa một cuộc cãi cọ chẳng đáng gì.

Mấy anh bạn đào hoa lúc này không biết đã có chút lấm lét chưa, khi nhắc đến chữ ‘bồ”.

Những cuộc chia tay cho đến lúc này xảy ra êm đẹp, chưa cô nào đặt kíp nổ trong xe để úm ba la hai đứa chết chùm.

Nhưng chưa chẳng có nghĩa là không có.

Những bờ vực luôn mở khi những người yêu nhau còn nghĩ anh ấy hoặc cô ấy là của mình.

Da thịt nọ của mình, cứ nghĩ rơi vào tay người khác thôi là đã không đành.

Cầm tù nhau bằng cái khóa thề mang tên “mãi mãi” coi bộ không chắc ăn, kết luôn án tử.

Cái bi kịch “của mình” này cuốn Nguyệt thực nổi tiếng của Trung Quốc viết rồi, cả chương Ba là quang cảnh nông trường chăn nuôi phá sản, những nông dân đi giành lại những thứ “của mình”.

Một cô bé vì quyết liệt giữ cái nồi nấu cám mà bứt đứt lìa cánh tay. Ôm cái nồi vẫn còn cánh tay bé bỏng kia bám cứng trên quai, gã thắng trong cuộc cướp bóc đem về treo trên giàn bếp.

Mới nhớ ra đứa bé ấy là đứa con rơi “của mình”.

Mẹ đứa nhỏ dặn nó phải cố giành nồi nấu cám cho bằng được để làm quà nhận lại cha.

Ngoài mấy bài giảng tập hợp thành sách của những vị thiền sư bày trên kệ sách tôn giáo, chẳng thấy trường lớp nào dạy cách buông bỏ.

Giữ rịt, vơ níu bất chấp từ những lĩnh vực nhập nhoạng như chính trị, hào nhoáng như giới giải trí, đến lãng mạn như tình yêu.

Xưa, phải lòng người mua chiếu mà anh bán chiếu Cà Mau buồn thỉu buồn thiu, nghĩ người ta đã có đôi rồi, thôi mình vác cặp chiếu bông trở về.

Giờ yêu đơn phương mãi không được đáp tạ, tưới xăng mồi lửa người thương giữa đường.

Lan trong tuồng cải lương nổi tiếng Chuyện tình Lan và Điệp không buông bỏ được nên chết héo chết sầu, Lan bây giờ không buông bỏ được xách mã tấu chạy đến đám cưới của thằng bồ vừa kịp cũ.

Sinh viên có kiểu thanh trừng người yêu bằng dao kéo, ca sỹ có kiểu lên báo hài tội bồ cũ của ca sỹ, chính khách cũng có kiểu riêng thanh toán đồng chí của mình.

Không tin, mời coi báo.

Bỗng sến và xưa quá cỡ cái bảng lảng của buổi tiễn đưa người yêu đi lấy chồng, có người đứng lặng trông, xác pháo tan nát lòng.

Nhạc của thời loạn lạc mà thấy tình yêu dường như lành lặn, không vết chém, không hận thù.

Là chỗ nương tựa giữa buổi đạn nổ pháo cày

Là nín nhịn hy sinh, thôi em về với người ta, quên thằng nhạc sỹ nghèo này đi.

Có ông còn nhận thẳng thắn nhận ra chuyện người tình không lấy mình lựa chọn sáng suốt, từ “con đường em theo đó đúng hay sao em”, quay ngoắt lại nói con đường em đi đó đúng đấy em ơi.

Tình yêu là một vết thương không kín miệng, mấy ông danh nhân nói vậy.

Lâu lâu chảy chút máu chơi, cho thú vị đời, chẳng chết ai.

Nhưng giờ người ta chảy máu đến chết dưới tay người yêu nhiều quá, những cái vực mở hút sâu khi thời thế khiến thiên hạ sống ngày càng táng tận ráo riết.

Nụ hôn sẽ có vị gì khi nghĩ tới bồ bịch đang giấu dao trong áo?..

Cuộc đời đúng là kinh ngạc hết sức, tưởng đã thấu hiểu đến đáy của phi đạo đức rồi, mà đáy vẫn đầy những ngách hang ngoắt ngoéo.

Chẳng lẽ đổ lỗi cho củ gừng Tàu tẩm độc, ai ăn vào cũng phát điên?..
----------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
* Hình ảnh đăng trên Xóm nhiếp ảnh, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

2 nhận xét:

  1. Đọc và còm thôi22:36:00 26 thg 6, 2013

    Bố này viết hay thật.
    Vụn vặt, cóp nhặt, sắp xếp nhưng đầy ý tứ. Nghe có vẻ bỗ bã nhưng không, rất nghiêm túc.
    Xả sì trét được mà lại đọng lại trong người đọc.
    Cảm ơn nhiều nhiều.
    Kính bố.



    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải "Bố" mà là Thím Tư, cây bút từng làm dậy sóng miệt Cà Mau, lan ra cả nước đới !

      Xóa