11 tháng 2, 2013

HOA DỌC ĐƯỜNG XUÂN


Mai Thanh Hải - Chạy xe giữa mênh mang đồi chè trung du dịu dàng, chợt bừng lên trước mắt căn nhà trên triền đồi, xung quanh hồng thắm hoa đào rừng mỏng mảnh mà bền chặt.

Dừng xe, vác máy ảnh, ông chủ nhà ló đầu khỏi hàng rào tre cũ, cười hiền: "Mấy cây đào trong vườn đẹp hơn nhiều, đưa các cháu vào đây mà chụp!".

Lạ thế!. Nhìn mặt người là tin ngay hồn hậu, khác hẳn những khuôn mặt ông bà chủ vườn bên Gia Lâm, Thuận Thành hoặc tít tắp Hà Giang, cứ gườm gườm nhìn khách lạ, nhăm nhăm xô đến thu tiền chụp ảnh, nếu giương máy chụp ruộng cải, mảnh tam giác mạch, cây mận cây đào...

Hỏi ra mới biết, ông chủ ngày xưa cũng lính Vị Xuyên (Hà Giang), bám chốt đánh nhau với Tàu gần chục năm và phân nửa thời gian ấy, đều đón Tết trên chốt, ngắm hoa đào thay bánh chưng, thịt mỡ, nên thành mụ mị hoa đào.

Hết súng đạn, trở thành hữu hảo, những người lính chốt của những năm 79-89 chả hòa hợp nổi giữa ký ức và hiện tại, nên ba lô con cóc về quê, bịt tai cặm cụi làm ruộng, trồng chè, om sắn, cắm cây...

Nhớ chốt, thèm biên, anh lụi hụi quay lại Hà Giang, tìm bứng mấy cây đào rừng ngay nơi mình đã sống - chiến đấu, lẩn mẩn mang về tận quê, ươm trồng gìn giữ, để có 1 đồi đào rừng, nở thắm rừng chè, như hôm nay...

Anh bảo: "Ngày xưa đói khát, khổ sở, chết chóc... nhìn hoa đào để mà tin vào những điều tốt đẹp phía sau. Bây giờ, tạm no đủ, lại nhìn đào để không quên những ngày gian khó, cảm nhận giá trị cuộc sống!" và lắc đầu: "Rất nhiều người tìm đến, trả giá rất cao mua 1 gốc đào, nhưng tôi không bán. Kỷ niệm một thời, đâu mua được bằng tiền?"...

Ừ!. Tiền bạc quan trọng thật đấy, nhưng sao có thể đắp đổi được quá khứ và thành thứ mua bán, đổi chác, những kỷ niệm đời người, vấn vít trong tim?..

Và đường Xuân của mình, đẹp - ý nghĩa hơn, từ những câu chuyện bình dị, mặn mòi như thế...
----------------------------------------------------------------------------------------------

1 nhận xét:

  1. Nhìn cây đào lại nhớ cây đào trên chốt 392 gần cửa khẩu Tà Lùng ngày ấy. Chiều 29 Tết, cùng hai cậu lính leo gần 300 bậc đá và 2 chiếc thang sắt mới lên đến đỉnh núi: chốt 392 của pháo binh. Tất nhiên là rất mệt nhưng cực kì sửng sốt: một cây đào gốc to cỡ bắp đùi, cành sum suê (hình như chưa bao giờ nó bị chặt cành thì phải), hoa nở rực rỡ, thậm chí trong ánh nắng đông còn có vẻ chói lọi nữa. Hỏi thì được biết: cây đào này do một người lính Hà Nội mang lên từ cuối năm 1979. Giữa vùng núi toàn đá thì nó làm sao sống được? Trả lời: mỗi khi xuống núi, khi lên chẳng người lính nào lại quên mang theo một túi đất be bé. Thế là đất được đem lên đủ để cho đào tốt tươi, đẹp đẽ. Thú thật Tiến Đặng cũng nhìn thấy nhiều cây đào tuyệt đẹp nhưng chưa thấy cây đào nào đẹp như cây đào trên chốt 392 Tà Lùng - Cao Bằng. Thật tiếc hồi ấy chẳng có máy ảnh như bây giờ để lưu lại hình ảnh cây đào kì diệu ấy. Từ bấy đến giờ bao sương nắng phôi pha, không biết cây đào còn hay mất? Và nếu nó vẫn sống trên điểm chốt 392 ấy thì đào ơi người nở cho ai chiêm ngưỡng bây giờ?
    Không biết có còn đồng đội nào đã từng lên điểm chốt 392? Nếu có thì liên hệ với Tiến Đặng nhé.

    Trả lờiXóa