18 tháng 10, 2011

THƯ GỬI BÁC Y TẾ

Bác kính mến!.

Hôm qua bà cháu mệt, bà bảo: “Tao già rồi, đằng nào cũng ốm. Thế nên phải tranh thủ ốm trước đi, kẻo mấy hôm nữa tăng viện phí thì lại khổ con, khổ cháu!”.


Bà cháu là người “thời sự” nhất nhà. Cháu nghĩ là vì bà chịu khó nói chuyện với tivi suốt cả ngày, nên cái gì bà cũng biết.

Bố cháu gắt: “Bà cứ lẩm cẩm. Đã ốm thì lúc nào chả khổ. Ốm mùa hè còn khổ bằng mấy mùa đông. Mùa đông lạnh nên chen nhau còn âm ấm một tí, chứ mùa hè bốn người nằm một giường, có thi nhau quạt thì cũng chỉ hắt nóng từ người này sang người kia thôi”.

Nhưng hình như bà cháu ốm thật, nên bố con cháu đưa bà vào Bệnh viện.

Bệnh viện đông vui tấp nập y như trường cháu ngày khai giảng ấy bác ạ.

Bệnh nhân nằm đầy hành lang, còn người nhà thì vắt vẻo cả trên lan can.

Cháu nghe có chú than thở: “Vào tận đây mà còn bị trộm móc sạch cả ví tiền với điện thoại. Trong túi còn đúng 10.000 đồng, vừa đủ trả tiền gửi xe máy qua đêm”.

Bà cháu bảo: “À!. Bệnh viện này tao vào rồi, từ hồi sau giải phóng. Nhận ra ngay quang cảnh phòng ốc, mọi thứ vẫn y như cũ, chỉ khác là ngày xưa quét ve xanh, bây giờ lại sơn vàng!”.

Có lẽ bà cháu phải mổ đấy bác ạ.

Thế là khi bố cháu đưa bà đi làm thủ tục nhập viện, cháu phải đi ra tận hiệu thuốc ngoài cổng để mua phong bì cho bố cháu.

Kể cũng lạ bác nhỉ, hiệu thuốc mà cũng bán cả phong bì nữa! Nhưng cháu hiểu rồi, bố cháu bảo hiệu thuốc bán tất cả những gì thiết yếu dùng trong Bệnh viện.

Bố cháu dặn mua luôn cho bố cháu vỉ thuốc cảm cúm nữa để dự phòng bố cháu bị ốm trong lúc xếp hàng đóng viện phí và nộp Thẻ Bảo hiểm y tế.

Mua phong bì thì dễ rồi, chả ai hỏi gì cháu cả.

Nhưng khi cháu hỏi mua thuốc cảm cúm, thì bác bán thuốc khuyên cháu nên mua kèm một lọ thực phẩm chức năng, dành cho sản phụ mới sinh em bé.

Cháu giải thích cho bác ấy là bà cháu, bố cháu và cháu nữa đều không sinh em bé, nên không dùng được loại thực phẩm ấy đâu.

Bác bán thuốc thở dài, rồi bảo cháu: “Thôi vào dặn bố nếu cần siêu âm, xét nghiệm gì cho bà, thì cứ liên hệ với bác, cho nó nhanh”.

Cháu chả hiểu làm sao bác ấy lại làm “cho nó nhanh” được, nhưng sợ bố cháu chờ nên cháu không dám hỏi rõ.

Lúc ấy bỗng có một bác, hình như là Thanh tra thì phải (cháu đọc được trên bảng tên của bác ấy), đến hỏi bác bán thuốc: “Mua bán gì? Hóa đơn chứng từ đâu?”.

Bác bán thuốc chỉ ngay cháu bảo: “Báo cáo anh, con bé này đòi mua tiền chất ma túy!”.

Bác thanh tra nói gọn lỏn: “Phạt! Tiền phạt chuyển khoản qua hệ thống liên ngân hàng ngoài quốc doanh nhé. Cấm lưu cuống phiếu chuyển tiền đấy!”.

Thế là cháu hiểu ngay không phải bác ấy phạt cháu rồi, vì cháu làm gì có tài khoản?.

Khổ thân bác bán thuốc, mặt bác ấy xanh lại, tay bác ấy run run mân mê một cái phong bì...

Cháu quay vào viện tìm mãi mới thấy bà và bố cháu.

Bố đang dùng xấp hóa đơn viện phí xòe ra để quạt mát cho bà.

Bố con cháu lại đưa bà về nhà vì hôm nay là thứ sáu cuối tuần, mà Bệnh viện thứ hai mới có kết quả xét nghiệm và hội chẩn.

Bà cháu bảo: “Biết thế này tao ốm sớm từ đầu tuần. Nhỡ tăng giá ngay, tuần sau mổ một nhát bằng tuần này mổ mười mấy nhát còn gì!”.

Bố cháu lại làu bàu: “Bà cứ lẩm cẩm”!.

Nhưng cháu thấy hình như bố cháu sai.

Bà cháu già thật nhưng có phải lúc nào cũng lẩm cẩm đâu, bác nhỉ?.

Cháu chào bác nhé! Cháu chúc bác luôn mạnh khỏe để không phải vào bệnh viện...

PHAN ANH (Tuổi trẻ Cuối tuần)

5 nhận xét:

  1. Cháu yêu quý!

    Vì tình trạng bệnh nhân nhập viện ngày càng gia tăng, các bác bận rộn, việc nhiều. Nếu k có cái phong bì để... nhận dạng (tình trạng nguy cấp) bệnh nhân, thì bác còn biết làm sao. Nên vô hình chung, cái phong bì ấy, là 1 cái thứ rất hữu ích, cháu ạ. Tuy nó nhỏ, nhưng nó dễ nhìn - gọn - và nhẹ. Bác thik nhất là mấy cái loại giấy càng mỏng, càng yêu. Vì cái tờ xanh xanh đỏ đỏ ở bên trong ý dễ thấy, và bác bố trí sắp xếp xử lí bệnh cho bà cháu, hay mọi người ngay. Nếu k kịp, thì nguy!

    Nên, cháu cứ nói bà, bố cháu chịu khó nhé. Mà cháu nhớ nhé, bao giờ đi tiêm phòng, là phải nói mẹ giúi vào cái túi áo bác (ở 2 bên hông bác nhé), kẻo bác lại k tìm thấy ven, thì tội chaú lắm, đau lắm!
    Bác rất hoan nghênh tinh thần dũng cảm, ham học hỏi của cháu. Nhất định sau này cháu sẽ làm nhớn!
    Xoa đầu cháu!
    Chụt chụt!
    Moah




    B.e.s-g!

    Trả lờiXóa
  2. phải tăng , tăng đến khi người ốm không dám vào viện nữa quá tải bệnh viện hết ngay. Gay Gay Gay. BD

    Trả lờiXóa
  3. Phải tăng viện phí thật cao thì sẽ giải quyết được vấn nạn phong bì và thiếu giường bệnh.

    Trả lờiXóa
  4. Kể xí chuyện vui nhé: Bên má trái tôi có một cục nhỏ như cục hạch, chỉ khi sờ và đè vô mới cảm giác được. Đi bác sĩ, bác sĩ bảo đi rọi xem bị gì. Tôi đi rọi, tóm lại là chỉ nằm trong cái hộp khoảng ba phút, rồi xong. Vài ngày sau tôi nhận cái hóa đơn một ngàn bảy trăm US Dollars. Chưa hết, hai vợ chồng tôi đi chà răng, xong tôi nhổ thêm một cái răng, sau nhận cái hóa đơn hai ngàn mấy US Dollars. Trời thương tôi có bảo hiểm nên rốt cuộc chỉ trả có hai chục đô cho cả hai vụ trên.

    Khi nào con dân Việt Nam mới được như vầy? Đâu đâu cũng toàn là tham nhũng và hối lộ. Vừa xuống phi trường phải hối lộ. Vừa ra xe chạy ra khỏi phi trường lại phải hối lộ. Về quê rồi đi trình xã cũng phải hối lộ. THUA!

    Trả lờiXóa
  5. Tội Cho Tiểu thư?

    Lẽ thường khi người ta gặp chuyện nói khó thì thường viết thư, như để giải tỏa hết tâm sự của lòng mình. Vì thế phong bì trở thành thành người bạn chia sẻ những tâm sự, là nhịp cầu nối những bờ vui. Chẳng biết từ bao giờ, phong bì sau các cuộc trà dư tửu hậu lại có tên mỹ miều là “tiểu thư”? Đi đến đâu, “tiểu thư” cũng được người ta không chào cửa trước thì cũng rước cửa sau, nghĩ mà ghen. Nhưng rồi đến hôm nay, “tiểu thư” cũng bị đánh tơi bời trên các trang báo vì là nguyên nhân gây nên chuyện kém về y đức. Còn nói quá lên tí thì đó là nguyên nhân gây nên chuyện thất đức của ngành Y tế. Một cuộc ra quân rầm rộ nói “không” với phong bì. Theo kiểu “nhất hô bá ứng” mà có vị lãnh đạo của một bệnh viện “nịnh quá mất khôn” tuyên bố xanh rờn “Nếu cán bộ, bác sĩ đó bị bắt quả tang nhận hối lộ khi đang điều trị cho bệnh nhân sẽ bị đuổi việc”.

    Muốn dưới sạch, trên phải trong, nhưng mà sự “trong” ấy ở Bộ Y tế cũng “trong” một cách đáng ngờ. Để chống tham nhũng một cách triệt để trả lại sự trong trắng của ngành y, ông thứ trưởng phụ trách dược đã quyết định thay liền một lúc 5 cán bộ chủ chốt ở Cục quản lý dược; đổi mới quản lý ngành dược Việt Nam sang kiểu bán hàng đa cấp, tạo phúc cho dân bằng cách thổi một luồng giá mới vào thị trường thuốc tân dược, năm sau luôn cao hơn năm trước. Vì thế, dân nghèo trốn viện điều trị càng ngày càng tăng. Đó cũng là một trong những sáng kiến Iso góp phần giảm tải bệnh viện trong thời gian qua.
    Ngẫm ra ngành Y tế “cũng biết gạn đục khơi trong”, kế thừa quá khứ, phát huy hiện đại để chăm lo và phục vụ sức khỏe nhân dân lên một tầm cao mới.
    Xưa từ thời buổi Âu hóa ở nước Nam ta và giữa buổi canh tân này, cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi. Qua bàn tay nhào nặn của bà Phó Đoan mà chúng ta đã có một Me sừ Xuân sinh viên trường thuốc, Giáo sư quần vợt, Giám đốc Âu hóa, bậc vĩ nhân cứu quốc đã làm rạng danh văn học Việt Nam.
    Nay trong xu thế hội nhập sâu rộng, nhờ có sự quy hoạch gắn kết của chị Sáu Đoan, mà ngành y tế cũng có một Me sừ Cu - Oang, cũng sinh viên trường thuốc, tiến sĩ tự phong, thần đồng gian tuổi, vĩ nhân thổi giá. Giúp cho “nhân cường tật nhượt” làm cho dân phúc thế gian được nhờ.
    Vẫn biết công cuộc chăm sóc sức khỏe và bảo vệ nhân dân của ngành y tế còn nhiều gian nan, thầy thuốc còn phải lao tâm khổ tứ vì người bệnh luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân thì vẫn nhẫn nhục nằm ghép đôi, ghép ba người một giường, các quan chức trong ngành Y tế vẫn đã loay hoay tìm những giải pháp phát triển ngành Y tế phục vụ nhân dân tốt hơn, song những yếu tố khách quan tác động làm cho công tác chăm sóc và phục vụ sức khỏe nhân dân chưa được như mong muốn. Dịch tiêu chẩy cấp xảy ra là do “mắm tôm”. Bệnh tay chân miệng bùng phát nguyên do là “truyền thông chưa trúng, chưa đúng”. Y đức xuống cấp là do “Tiểu thư”. Thế dân mới biết “Dù ngồi ở bất cứ đâu. Chỉ đít đổi chỗ chứ đầu thì không”?

    Quàng Thăng

    Trả lờiXóa