14 tháng 6, 2011

YÊU NƯỚC ĐO BẰNG GÌ?

CSCĐ Hà Nội ngăn chặn biểu tình phản đối Trung Quốc, 2009 
Mai Thanh Hải Blog - Cuối tuần vừa rồi, mình đưa cả lũ lít nhít, cùng mấy người bạn về thăm quê cho cái đầu đỡ biêng biêng, nên cũng tự ra lệnh: "Không động đến máy móc, mạng mẽo". Thứ Bảy, đang cởi trần trùng trục ở quê thì nhận được tin nhắn rủ "Sáng mai (12/6) ra cà phê Cột cờ để lại... biểu tình" của 1 Blogger hiện đang khá nổi tiếng. Mình gọi điện bảo đang ở quê, bác này tắt phụp phát và nhắn tin: "Áo đỏ thì không mặc. Xuống đường thì không. Ông yêu nước khôn quá!" làm mình cũng ngỡ ngàng, đứng chéo chân chống cằm nghĩ 1 lúc: "Yêu nước cũng có khôn và dại như vậy, liệu mình thuộc dạng nào?".. 

Hôm nay, đọc được bài "Yêu nước đo bằng gì" trên  Blog Anh Vũ, mình thấy hơi bị thấm thía. Thế nhưng dù có yêu dại hay yêu khôn thì việc một số người bày tỏ lòng yêu nước tại TP. HCM sáng 12/6/2011 vừa qua, bị các lực lượng Công an TP. Hồ Chí Minh khóa tay, bóp cổ, khênh vác như khênh... lợn (heo) bắt giữ, cũng khiến khối người, hết muốn ra đường bày tỏ lòng yêu nước.

Trân trọng giới thiệu bài viết trên Blog Anh Vũ để mọi người cùng chiêm nghiệm dại - khôn:
------------------------------------------
YÊU NƯỚC ĐO BẰNG GÌ?..

Trước hết, xin giải thích cái tựa. Thì, các bạn biết rồi đấy, tôi làm nghề đo lường mà lại. Mà là "đo lường giáo dục" cơ đấy, tức là đo mấy cái khái niệm (tiếng Anh là "construct", mà cố GS. Dương Thiệu Tống đã dịch là "khái niệm tạo lập", nhưng mà nghe nó trúc trắc quá, nên tôi tạm gọi là "khái niệm") vốn là những cái mà mấy nhà lý thuyết bày đặt nghĩ ra theo kiểu thừa giấy vẽ voi, chứ không tồn tại dưới dạng vật lý (physical existence).

Ví dụ như "thông minh" - nó là cái gì, nhỏ to lớn bé ra sao, chẳng có ai thấy bao giờ cả, nhưng ai cũng có quyền nói, "thằng bé đó thông minh lắm", hoặc "con bé đó hơi chậm chạp" (ý nói kém thông minh, cái này hồi bé là tôi hay bị người khác nói lắm!)

Khi nói rằng ai đó thông minh hoặc kém thông minh, tức là đã thừa nhận sự tồn tại của cái gọi là "thông minh", dù không nhìn thấy. Cũng như ai cũng biết là có tồn tại một thứ gọi là tình yêu, dù không ai chỉ ra được nó là cái gì. Nhưng trong cái nghề đo lường của tôi thì người ta cứ khăng khăng rằng cái gì (được xem là) tồn tại thì ắt phải đo được, còn nếu không đo được thì xem như nó không tồn tại!

Bây giờ đến "dzụ" yêu nước. Lý do hôm nay tôi nhắc đến chuyện yêu nước là do gần đây lùm xùm vụ tàu Bình Minh 02, rồi đến vụ ngày 05/6/2011, khi một số người có đủ trẻ già lớn bé tình cờ đi bộ ngang Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP. HCM trong trật tự .... Cũng phải thú thật, trong cái ngày ấy tôi cũng rất muốn đi bộ ngang Lãnh sự quán Trung Quốc nhưng ... không dám. Vả lại, ngày ấy tôi cũng có giờ dạy từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa, nên cũng chẳng có thì giờ mà đi.

Sau buổi ấy, đọc báo chí, "mạng miếc" tôi mới hay là trong số người đi bộ đó có kha khá nhiều người mình biết; mới thấy rằng mình cũng ... hèn thật! Chỉ là ôn hòa biểu lộ công khai quan điểm và tình cảm của mình đối với đất nước và phản đối sự gây hấn của người hàng xóm "lớn xác, xấu tính" kia thôi, mà cũng không dám (dù sao cũng có lý do để bào chữa: Hôm ấy tôi cũng mắc đi dạy cơ mà?).

Rồi nghĩ ngợi lan man: Phải chăng mình không yêu nước, hay ít ra là không yêu bằng người khác? Nhưng tôi vẫn luôn tin là mình yêu nước lắm. Vậy tại sao tôi không dám đi bộ ngang Lãnh sự quán Trung Quốc vào ngày hôm ấy nhỉ?.

Và chợt nhớ ra một câu hỏi có thật mà tôi đã có dịp trao đổi trực tiếp với một GS người Úc cách đây cả chục năm, một chuyên gia đo lường trước đây giảng dạy tại ĐH Melbourne (giờ có lẽ đã về hưu, GS. Patrick Griffin ấy, ở Việt Nam chắc có nhiều người biết), câu hỏi mà tôi đã đưa lên làm tựa entry này.

Chuyện như sau: lúc ấy GS. Griffin đang giúp Việt Nam xây dựng công cụ đánh giá giáo viên (trong Đề án phát triển giáo viên tiểu học, sử dụng vốn vay của WB, hình như thế). Và trong các chuẩn do Nhà nước ta đưa ra để đánh giá giáo viên, thì yêu cầu đầu tiên là phải yêu nước - tất nhiên là yêu nước xã hội chủ nghĩa! Mà hễ đã là chuẩn đánh giá, thì tất nhiên là phải đo!. Vì không đo, thì làm sao biết được người này yêu nước hơn người khác?.

Vấn đề ở đây là: Đo lòng yêu nước thì đo cái gì mới được chứ?.
GS. Griffin đã đặt ra câu hỏi ấy cho tất cả những người dự buổi trình bày của ông hôm ấy. Đặt một cách nghiêm túc, và người nghe buộc phải đi đến 1 trong 2 lựa chọn: Một là tìm ra được biểu hiện của lòng yêu nước và tìm cách đo nó; hai là bỏ nó ra khỏi danh sách những chuẩn mực cần thiết đối với một giáo viên.

Bị ép phải trả lời, tôi nhớ các thành viên của buổi thảo luận đã đưa những ví dụ về biểu hiện đo được (chú ý nhé, phải là biểu hiện đo, đếm được) , của lòng yêu nước như sau:

- Chăm chỉ tham dự các buổi họp và học tập chính trị ở cơ quan (ai hay vắng thì kém yêu nước hơn những người đi đầy đủ)
- Chăm phát biểu trong các buổi học chính trị
- Tham gia mọi phong trào do nhà nước (cụ thể là cơ quan đang làm việc) phát động ...

Thực ra, khi đưa những biểu hiện này ra thì chính những người phát biểu cũng thấy rằng chúng vẫn còn ... linh tinh lắm! Vì ai cũng biết, có thề đi họp, đi học chính trị nhưng đầu nghĩ việc khác, tay làm việc khác (tôi là chuyên môn chấm bài vào những lúc họp); cũng có thể phát biểu "xoen xoét" nhưng bụng chẳng tin gì cả; và có thể tham gia phong trào chẳng qua là do... sợ chính quyền mà thôi, chứ có tin yêu, tự nguyện đóng góp gì đâu. Nhưng dù sao thì đó đúng là những biểu hiện nhìn thấy và đo đếm được - Theo đúng yêu cầu của GS. Griffin.

Thế mới thấy, biểu hiện lòng yêu nước (chân chính) ra bên ngoài là một việc làm quá khó!. Và nếu khó đo như thế, thì như GS. Griffin đã nói trong cuộc Thảo luận đó, thôi đừng có đưa nó ra thành chuẩn làm gì!. Còn nếu thấy nó quan trọng, thì bằng mọi giá phải tìm được biểu hiện nào đo được, rồi đo nó!.

Lẩn thẩn, tôi liên hệ những gì GS. Griffin nói với sự kiện tàu Bình Minh 02, và tự hỏi: Biết đâu Trung Quốc thử làm mấy chuyện ấy để "nắn gân" Việt Nam, xem thử dân ta có yêu nước không?. Có dám phản đối những việc làm ngang nhiên của họ không?. Và họ sẽ tìm một biểu hiện nào đấy để đo lòng yêu nước của chúng ta, rồi sẽ chọn thái độ ứng xử tiếp theo.

Theo tôi, số lượng "người đi bộ đi ngang qua Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Trung Quốc vào ngày 5/6" rõ ràng là một biểu hiện đo được. Cũng như độ nóng trên mạng về vụ "đi bộ" này. Vậy thì số người đi bộ hôm ấy rõ ràng phải là càng đông càng tốt, và mạng càng nóng thì càng tốt.

Nhưng ... việc "đi bộ" hôm ấy dường như không được khuyến khích. Thậm chí có nơi, Ban Giám hiệu Trường Đại học còn ra thông báo hăm he, dọa đuổi những sinh viên nào "đi bộ ngang qua Lãnh sự quán/ Đại sứ quán Trung Quốc vào ngày 5/6" nữa kia.

Vậy, nếu ai cũng im re, nằm nhà, giống như tôi hôm ấy (nói cho đúng, tôi đâu có nằm nhà, mà đi dạy học đó chớ, không tin các bạn cứ hỏi các học viên của tôi ắt sẽ rõ!), thì Trung Quốc sẽ hiểu sao về lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của người Việt (và Nhà nước Việt Nam, Đảng lãnh đạo của dân tộc Việt Nam) nhỉ?.

Thế nhưng, hình như các Đoàn viên, Đảng viên... vv, những con người ưu tú, tầng lớp lãnh đạo hiện tại và tương lai của đất nước, dường như chẳng có mấy ai chịu "đi bộ" vào ngày ấy. Well, có lẽ là cũng có (?), nhưng trong số những người thuộc thành phần ưu tú mà tôi biết, chẳng có ai biểu hiện lòng yêu nước ra theo kiểu đi bộ như thế cả.

Mà ngay cả báo chí "lề phải" cũng chẳng thấy nói gì mấy (à, thì cũng có, nhưng mà ... hình như vẫn "ôn hòa", mềm mỏng, thậm chí "nương nhẹ" lắm. Nương nhẹ với "cái cướp", tôi hình dung mẹ tôi sẽ nói như thế, nếu bà còn sống).

Vậy mà theo tôi biết, thì tất cả các Đảng viên, Đoàn viên ấy chắc chắn phải yêu nước hơn tôi rất nhiều. Chứ gì nữa, họ được Đảng giáo dục kỹ lưỡng đến thế còn gì?..

Nhưng yêu nước mà không biểu hiện ra chút nào như thế, thì làm sao người khác biết được nhỉ? Rồi lỡ Trung Quốc nó hiểu lầm là Việt Nam ta ... rất hài lòng với "mối quan hệ 16 chữ vàng" hiện nay, và không hề than phiền gì về những hành động kia, thì sao nhỉ?.

Hừm ... Khó quá, tôi không thể nào nghĩ ra được.

À thôi đúng rồi! Thì họ biểu hiện đúng bằng những điều đã nêu ở trên đấy, còn gì nữa: Đi họp, học chính trị (về sự quan trọng của đấu tranh bằng ngoại giao, chắc thế), tham gia mọi phong trào do Nhà nước tổ chức... vv (còn cái gì không phải do Nhà nước tổ chức, ví dụ như vụ đi bộ kia, thì chắc chắn không tham gia).

Chỉ có thế thôi, mà nghĩ mãi không ra!

PS: Chuyện đo lòng yêu nước này không phải tầm phào đâu nhé; Trước đây trên thế giới cũng đã có hẳn một nghiên cứu "xuyên quốc gia" về vấn đề này rồi đấy. Bạn nào không tin thì cứ google với cụm từ này "how to measure patriotism" là ra ngay thôi! Đây, nó ở đây này!..
---------------------
Mai Thanh Hải Blog hóng hớt theo bác Anh Vũ Blog, đọc 1 khổ thơ Bút Tre vì bài viết của Anh Vũ có nhắc đến việc hội họp, học tập...


"Hôm nay học tập Chính tri (chính trị)
Cán bộ ngồi ì chẳng chịu phát biêu (phát biểu)
Cơm ăn chẳng được bao nhiêu
Đảng ủy lại bắt phát biêu (phát biêu) cả buồi (cả buổi)".

9 nhận xét:

  1. Chào bác Hải,

    Cám ơn bác đã đọc và "thấy thấm thía" bài này của em. Và cũng cám ơn bác về bài thơ bút tre rất chi là bút tre, đặc biệt là câu cuối!

    Trả lờiXóa
  2. Nếu dân tộc là một, đố thằng Tàu đụng đến Việt Nam, dù là cái lông. Còn để mất là do những cái đầu bại não, dứt khoát không phải Nhân dân. Những người chỉ biết nhìn xuống chân ghế, để lại ô nhục cho con cháu mình. Dân tộc này muôn đời nguyền rủa. Tôi thề trên blog: Nếu Tổ quốc cần thằng già này, tôi không ra trận, thì tôi là con chó ghẻ sủa vu vơ!

    Trả lờiXóa
  3. Bài thơ hay quá bác ạ ^_^

    Trả lờiXóa
  4. Em nghĩ chẳng cần phải đo đếm, lượng hóa hay so sánh lòng yêu nước. Không phải cứ hô hào, hò hét, xã luận, bút chiến thật to mới là yêu nước. Tự bản thân trong mỗi người đều hừng hực lòng yêu nước rồi.
    PS: Bác Hải đi nhiều, ko biết bác đã đến pháo đài Đồng Đăng chưa? Em đi Lạng Sơn mấy lần mà ko biết đi đường nào? Sedan có trèo được đến đỉnh ko?

    Trả lờiXóa
  5. Hóa ra Chủ nhật vừa rồi Bác Mai Thanh Hải về quê Hải Phòng, đi Đồ Sơn . . . "đóng gạch", he he!!!

    Trả lờiXóa
  6. Bán cháo lòng08:12:00 15 thg 6, 2011

    Yêu nước Việt đo bằng nồi cơm đầy vơi của 86 tr con dân Việt
    - Đo bằng tấm áo mới, bằng nụ cười trẻ thơ của con dân Viêt, đo bằng tấm lòng " lá lành, lá rách" " chị ngã em nâng ", đo bằng sự quên mình vì đất nước, sự hy sinh cho độc lập-tự do cho Tổ quốc cho đồng bào !
    - Đo bằng những tổ ấm uyên ương hạnh phúc, những ánh mắt trìu mến thân thương của đồng loại, đo bằng những bờ tre xanh ngát, những đồng lúa "bát ngát trĩu bông", những đêm trăng thanh gió mát con trai con gái ríu rít nô đùa !
    - Đo bằng những giảng đường Đại học chật ních những bài tham luận khoa học
    - Đo bằng sự tự do "mở mồm" của người dân lao động, của đội ngũ trí thức ngày đêm sáng tạo, tạo ra của cải vật chất cho XH
    - Yêu nước là những đêm hội hoa đăng, những cacnavan mọi người xuống phố trong những bộ hóa trang lộng lẫy, nam thanh nữ tú đẹp như tranh
    của Bùi Xuân Phái...
    - Yêu nước đo bằng tấm thân làm lá chắn, chắn viên đạn bay về phía Tổ quốc , phía đồng bào mình.
    - Yêu nước là những giọt nước mắt khi nhìn thấy đồng bào minh dân tọc mình cực khổ lầm than!
    ....
    Vâng em bê cháo cho khách ...mong có gì ...đại xá

    Trả lờiXóa
  7. Đọc mà xót

    Trả lờiXóa
  8. chúng ta nên có những lòng yêu nước mới giữ được non sông đất nước các bác ạ.

    Trả lờiXóa
  9. Yêu nước! Thực tế cho thấy đó là thứ tình cảm đặc biệt mà mỗi chúng ta bất chợt nhận ra mà không thể ngờ rằng nó tồn tại trong bản thân mình. Có lẽ chính vì lịch sử của dân tộc này là triền miên những cuộc kháng chiến chống xâm lược từ phương bắc thế nên chỉ cần mối họa đó biểu hiện thi bản năng (thứ bản năng được thừa hưởng từ tổ tiên) lại thức dậy.
    Yêu nước! Không phải cứ nhảy ra đường rồi hô hào là chứng tỏ rằng mình yêu nước hơn người khác. Suy ngĩ như thế thật ấu trĩ. Còn nhớ nhà thơ Nguyễn Khoa điềm có một câu rất hay lột tả hết cái tinh thần yêu nước thực sự, không màu mè giả dối:
    "Khi có giặc người con trai ra trận
    Người con gái ở nhà nuôi cái cùng con"
    Tôi nghĩ đấy mới là thứ tình yêu đất nước thật sự.
    Đơn giản, nhưng quặn thắt bao uất hận dồn nén tạo nên sức mạnh căm phẫn đến tột cùng của người ra trận: Thản nhiên đến lạ kì!
    Lao vào nơi lửa đạn mà thản nhiên như đi cày, bao giờ những người lính của chúng ta hô naym có được cái thản nhiên như vậy thì mới mong giữ vững độc lập và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
    Hãy chất chứa căm hờn từ hôm nay để ngày mai dồn hết vào kẻ thù cho một trận sống còn chứ đừng có những hành động quá khích, kẻ thù sẽ lợi dụng để làm khó dễ ta.

    Trả lờiXóa