27 tháng 5, 2011

VIẾT CHO CON GÁI, TỪ TRƯỜNG SA

Mai sau con lớn, con vào Hải quân
Mai Thanh Hải Blog - Ngày hôm nay, triệu triệu trái tim người Việt lại bùng lên ngọn lửa yêu nước, khi nghe tin 3 tàu chiến đấu Trung Quốc, mò vào tận vùng biển Phú Yên - Khánh Hòa uy hiếp tàu dân sự của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt nam, đang làm nhiệm vụ khảo sát địa chất của Việt Nam. Những uất ức, nỗi niềm và tinh thần xung phong, xả thân quyết chiến của những người trẻ, người già lại một lần nữa rực đỏ trong những câu chữ trên mạng xã hội, vằn lên trong mắt khi ngồi với nhau nói chuyện và đọng trên khóe môi cương nghị của những biên tập viên dẫn chương trình Thời sự VTV buổi trưa và buổi tối hôm nay. 

Tối nay, mình đã rưng rưng và cuộn đau trong ngực, khi chứng kiến cảnh hàng trăm con người, chỉ ngồi vỉa hè quán bia Hồng Hường im lặng, dán mắt vào màn hình tivi khi VTV phát bản tin về sự việc tàu chiến đấu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, uy hiếp tàu Việt Nam. Im phăng phắc và mắt ngầu đỏ, không thấy 1 tiếng "Dô! Dô" ồn ào như thường lệ; cả mấy đứa nhân viên phục vụ cũng tụm vào nhau, bấu vai nhau lặng lẽ nhìn màn hình, môi mím chặt, mắt ráo hoảnh. Hình như, sau bản tin, có lẽ là rất đặc biệt này, đã có hàng trăm cái cốc chạm vào nhau trong tiếng hô gằn lại "Đánh!" và nhiều ai đó, khàn đục bắt nhịp câu hát, lâu lắm rồi, không được nghe: "Quyết chiến đấu, cho hôm nay, cho con cho cháu và cho khắp mọi nhà". Tự dưng, muốn đăng lại bài viết, mình đã viết cho con gái yêu, ngay trên boong tàu HQ-996, trong nước mắt làm mềm quai mũ cứng gắn quân hiệu, trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma ở nơi Trường Sa, địa đầu Tổ quốc...

BẢN TIN CỦA VTV VỀ SỰ VIỆC TÀU TRUNG QUỐC XÂM PHẠM LÃNH HẢI VIỆT NAM



-------------------------------

Con gái yêu của Ba!

Ba đang ở đảo Cô Lin - nơi gọi là đảo chìm, nằm trên rặng san hô xa tít, thăm thẳm và xung quanh mây trời. Nơi đây đúng 20 năm trước, gần 70 chú – bác bộ đội Hải quân đã hy sinh. Gọi là hy sinh theo đúng câu chữ trong văn phạm và những giấy tờ hay trong các buổi lễ nghĩa. Chứ nói đúng ra, các chú, các bác ấy bị lính Trung Quốc giết chết bằng đạn tiểu liên AK bắn gần, bởi lưỡi lê sắc nhọn, bởi báng súng nặng trịch và đại đa số đều chìm xuống biển, chết mất xác. Các chú, các bác ấy nằm xuống cũng chỉ vì cái dải san hô xanh thẳm, xa hút ấy. Nhìn trên bản đồ trong google và dù có phóng to đến cỡ nào thì con cũng khó mường tượng ra cái khoảng biển xanh đó. Chắc con sẽ hỏi: “Chỗ đó là cái gì?”.

"Chỗ đó" là đất đai của Tổ quốc mình, con ạ! Lát nữa (bây giờ là 11 giờ 30 phút), đúng 14 giờ, Ba và mọi người trong Đoàn công tác sẽ làm lễ thả hoa, tưởng niệm những người đã nằm xuống cách đây 20 năm trước. Mọi người trong phòng ở của Ba trên tàu HQ 996 nói: Sẽ thả xuống biển, nơi những người đã nằm xuống đấy đủ cả bia, rượu, thuôc lá, ớt xanh, kẹo cao su… vì “trần sao, âm vậy”. Ba cũng làm như vậy với mọi người và Ba cũng muốn thả xuống đấy cả tâm tình, tấm lòng của Ba mẹ, của con và em, của ông bà, cùng bao nhiêu người khác nữa ở đất liền, để những người trai trẻ đã nằm xuống đấy không uổng phí, không chạnh lòng.

Con chưa hiểu thế nào là Tổ quốc. Con còn chưa học đến những bài văn, thơ trong sách Tiếng Việt nên chưa hiểu. Thế nhưng, có bao nhiêu người quyền cao chức trọng, giàu có, cũng chẳng hiểu được khái niệm Tổ quốc. Mù mờ và hồn nhiên, nhiều người còn ví: Tổ quốc chỉ đơn giản là những đêm hát Karaoke, đám con trai – con gái ôm nhau gào lên bài hát cách mạng hoành tráng trong hơi bia rượu, thuốc lá ngoại sặc sụa…

Buồn cười thế đấy nhưng đó lại là sự thật. Ba chợt nhận ra vậy bởi những ngày sống ở đất liền, Ba cứ cắm đầu vào nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi lo làm tròn trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ. Việc viết lách luôn nhìn thấy mặt trái của cuộc sống và cũng luôn thất vọng, cay nghiệt. Hở ra một chút là thở dốc, là ngủ vùi để sang hôm sau lại sấp ngửa đi làm, lo toan bề bộn. Nhiều lúc, Ba cứ nghĩ mình là cái máy, chỉ biết làm việc, làm việc và làm việc.

Thế nhưng đến hôm nay, khi đã lênh đênh cả tuần trên biển. Mở mắt là thấy biển, quay sang 4 phía đều thấy biển. Đi ngủ ban đêm, tỉnh giấc tưởng có con đạp chân vào mặt ba cũng thấy biển. Biển ngoài này xanh biếc hoà với trong vắt mây trời, mặn mòi mùi gió, Ba mới thấm thía thế nào là Tổ quốc.
Cả nhà mình vào bộ đội

Tổ quốc đơn giản chỉ là bình minh đỏ rực trên đảo Song Tử, nơi có cây đèn biển nhẫn nại cả đêm chớp mắt sáng cho những con tàu tỏ đường thông lối; Tổ quốc là màu xanh của biển cả dưới mạn tàu, nơi có những con cá chuồn thấy động, bay vút lên đầu ngọn sóng như thể mơ ước bay cao, bay xa cùng cánh hải âu bàng bạc; Tổ quốc là hòn đảo nhỏ, nơi có các chú bộ đội ở cùng quê mình, cùng giọng nói nhà mình, có vợ và em bé cũng ở gần nhà mình; Tổ quốc là nơi có màu xanh của câu phong ba, cây bàng vuông, cây tra biển trổ hoa trắng tinh, toả màu hương ngan ngát… Xa hơn nữa, ba thấy Tổ quốc của mình ở góc phố Hà Nội, nơi đấy Ba thường ngồi đánh vật với câu chữ đến đêm khuya, nơi có 2 mặt trời nhỏ là con và em Khoai say nồng trong giấc ngủ thiên thân...

Tổ quốc gần gũi và thân thương, như thể những người gần nhất, cạnh bên nhất và bình dị nhất và không thể thiếu được, ở ngay bên mình, trong nhà mình con ạ!..

Ở đảo chìm Cô Lin này, qua mắt thường và qua độ zoom của ống kính máy ảnh Nhật (một cường quốc đã từng thua trận trên đất nước mình), Ba nhìn thấy chiếc tàu hiện đại của Trung Quốc đang ngang nhiên án ngữ trên biển. Chiếc tàu ấy lớn quá, hiện đại quá. Nhưng dù có lớn và hiện đại thế nào thì nó cũng giống như chiếc tàu buôn gắn đại bác của Tây Dương đã từng lừng lững tiến vào Sài Gòn, khiến bao nhiêu người Việt mình khiếp đảm về cái gọi là “văn minh phương Tây” khi ấy.
Bình minh trên đảo Song Tử Tây

Ban đầu là sợ, nhưng rút cục, những người Việt vẫn đánh chìm những thứ của “văn minh phương Tây” kềnh càng ấy. Ông cha mình là vậy, Tổ quốc mình là vậy và những người Việt chân chính của chúng ta là vậy. Hôm nay chúng ta có thể choáng ngợp, có thể ngập ngừng vì cái gọi là “định hướng”, đã ngăn cản ý nghĩ, việc làm của người ta. Nhưng rút cục, cái cũ cũng sẽ bị đào thải để nhường chỗ cho cái cũ… Cái mới ấy, đơn giản là Ba muốn kể cho con gái yêu và rất mực thông minh của Ba.

Không lâu nữa, con sẽ cùng bạn bè chế tạo ra những con tàu hiện đại hơn, hoành tráng hơn để đánh đuổi những con tàu đang chắn trước mặt Ba và đồng độ của Ba hôm nay. Con và bạn bè sẽ khẳng định được vị thế Tổ quốc, để không phải quỵ luỵ, nhường nhịn và nuốt nước mắt khi những người con lính bị bắn chết, bị đâm chết bằng lưỡi lê, bị ngắt quãng tuổi thanh xuân 19-20 bằng dao găm oan nghiệt…

Máu nào chẳng đỏ, nước mắt nào chẳng trong. Ba hiểu điều ấy bởi ba đã gặp những người mẹ ở Quảng Bình - những người đẻ ra các chú, các bác đã nằm xuống ở ngay trên vùng biển Ba đang neo tàu. Người mẹ nào chẳng xót xa, chẳng vật vã và không thể sống yên hàn khi đứa con mình rứt ruột đẻ ra lại hy sinh, khi vẫn còn qúa trẻ. Càng không thể sống nổi khi những giọt máu đó chết vùi trong lòng biển vì đạn quân dụng, vì lưỡi lê, vì dao găm của những kẻ đang nhơn nhơn tươi cười trên màn hình tivi mỗi ngày, mỗi đêm… Thế mới biết nỗi đau câm lặng, nén lại là đáng kính phục con ạ.

Như Ba - Đã từng câm lặng trước ngôi nhà dột nát, hoang tàn của bà mẹ Quảng Bình có người con độc nhất hy sinh trên vùng biển Trường Sa này. Những lúc ấy, Ba chỉ nghĩ: Con phải học tốt hơn, giỏi hơn để Ba mẹ không tủi hổ, để những người con đất Việt không xấu hổ ngậm đắng nuốt cay và con sẽ giỏi để làm tiếp những gì mà ba và bè bạn của Ba đã, đang và sẽ làm cho đất nước này; cho Tổ quốc này và cho vùng biển đảo thân thương nơi xa tít, thăm thẳm này. Con gái yêu của Ba nhé!..

Vùng biển Cô Lin - Gạc Ma
12 giờ 2 phút ngày 24/4/2008 (trước lúc làm lễ tưởng niệm 67 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh ngày 14-3-1988)

9 nhận xét:

  1. Thắng nguyễn23:10:00 27 thg 5, 2011

    Cảm ơn Hải đã ... viết hộ !

    Trả lờiXóa
  2. Bài này bác Hải đã đăng,nay đăng lại còn có ý nghĩa hơn nhiều lần đăng trước.
    Cũng như bài hát"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới"tôi đã hát cách đây hơn 30 năm ở quân đoàn 14 Lạng Sơn,nay có khi cũng phải hát lại bác Hải ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Không biết nói gì hơn. Xúc động và căm thù trào dâng

    Trả lờiXóa
  4. Minh đã khóc khi đọc bài này.

    Tổ Quốc ơi...chúng con nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng

    Trả lờiXóa
  5. Chú cho cháu xin bài này post lên facbook để cùng cảm nhận chú nhé!Cảm ơn tât cả bài viết của chú ở blog và otofun nữa chú 3Gai ạ!

    Trả lờiXóa
  6. chào người đồng đội . Tôi cũng là một người lính ( đã phục viên ) đọc bài của bạn thấy hay và nhiều chỗ xúc động , tuy nhiên theo như video clip mà tôi xem được thì các chiến sĩ hải quân ở đảo Gacma bị quân TQ bắn bằng 37 ly , nó dã man hơn sự miêu tả của bạn , bài hát tôi nghe không quen, trong tình hình này tôi thích bài Hội nghị Diên Hồng và bài Việt Nam quê hương ngạo nghễ hơn . Chúc đồng đội khoẻ và có nhiều bài viết về lính

    Trả lờiXóa
  7. mình cũng thật sự buồn khi nghe tin thời sư trên VTV1,lúc đấy trong lòng lại nghĩ đến từ: nếu...

    Trả lờiXóa
  8. Bài viết cảm động quá! Lời của cha viết cho con bằng tất cả trái tim yêu tố quốc mình. Đúng thế, thế hệ hôm nay cần phải được biết về quá khứ, dù đó là quá khứ đau thương... để rồi biết trân trọng hơn những gì đang có, để làm tốt hơn những gì của ngày mai.

    Trả lờiXóa
  9. Hình 1: Con gái xinh - duyên
    Hình 2: 3 chị em nhà Lính
    Hình 3: Sau lưng Ba là biển cả, trog tim Ba là cả nhà, sau trán ba là ý chí théo, mắt Ba chan chứa niềm căm hận...

    Trả lờiXóa